MẤT RẤT NHIỀU CƠ HỘI,ủnhauđihọviệt VÌ…
Trong một lớp học livestream hơn 10 người trên đường Hoàng Sa, Q.3, TP.HCM, chị Nguyễn Nữ Hoàng Công (35 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) đang hồi hộp nói từng câu chữ, đôi lúc lại quên kịch bản.
Chị Hoàng Công là chuyên gia trang điểm có kênh mạng xã hội hơn 50.000 lượt theo dõi. Không ít lần chủ sản phẩm về làm đẹp mời chị livestream để quảng cáo bán hàng, tuy nhiên chị đã từ chối vì… cảm thấy không đảm đương nổi. "Mình có thể đứng trước hàng chục học trò để dạy trang điểm, tuy nhiên khi đối diện với điện thoại, đặc biệt là việc livestream thì lại "khớp", không biết truyền đạt như thế nào", chị Công chia sẻ.
Chị Công than thở tiếp: "Mình đã bị mất rất nhiều cơ hội, tiền bạc bởi không biết livestream. Trong khi đó, hiện nay hàng loạt nhãn hàng mỹ phẩm đã bán sản phẩm trực tuyến. Đôi lúc, mình có thử đứng trước điện thoại để tập tành rao bán một sản phẩm nào đó, nhưng bị run, không biết nói gì".
Thế nên chị Công đã chi khoảng 5 triệu đồng cho 8 ngày học livestream (mỗi ngày học 2 tiếng). "Tại lớp học, mình được nghe thầy giảng và thực hành trực tiếp; cũng như học các kỹ năng cơ bản của livestream, như: giới thiệu sản phẩm, cách xây dựng kịch bản, bí quyết chốt đơn hiệu quả…", chị Công nói.
Cũng học livestream chung với chị Công, anh N.T.T (31 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) có phần dạn dĩ hơn khi thực hành. Anh T. làm nghề thiết kế đồ họa, kiêm quản lý nhóm bạn trẻ chuyên về livestream bán hàng trên mạng xã hội. "Đôi lúc mình sợ không đủ chuyên môn để quản lý nhân sự, sợ bị qua mặt, đặc biệt là không muốn mọi người nói rằng "sếp mà không biết gì"…; do đó mới đăng ký học livestream", anh T. chia sẻ.
HỌC ĐỂ TÌM KIẾM CƠ HỘI
Là người có kinh nghiệm làm MC từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng Nguyễn Thị Kiều Trinh (21 tuổi), sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng chi tiền triệu học livestream để tìm kiếm thêm cơ hội.
Trước đây, Trinh có học một khóa đào tạo MC nhưng nền tảng kiến thức không áp dụng được cho việc livestream bán sản phẩm. "Mình đã từng đứng trước điện thoại, cầm sản phẩm nhưng khó khuấy động được người xem trực tuyến, không biết điều chỉnh giọng, tâm lý chưa thật sự ổn, nói đôi khi bị nhanh hoặc quá chậm", Trinh chia sẻ.
Từ khi đi học livestream, Trinh được không ít chủ cửa hàng quần áo, mỹ phẩm "để mắt" đến. "Công việc livestream bán hàng ngoài thù lao cố định thì tiền hoa hồng cho mỗi sản phẩm bán được khá cao, đủ để mình có tiền chi trả học phí, trang trải cuộc sống", Trinh nói.
Tương tự, Nguyễn Thị Ngọc Hân (24 tuổi), nhân viên tại một cửa hàng thời trang ở Q.10, TP.HCM, cũng phải đi học livestream với mong muốn tìm kiếm thêm cơ hội. Hân cho biết nhu cầu bán hàng qua livestream trên các nền tảng mạng xã hội đang phổ biến. Không ít các cửa hàng thời trang tuyển nhân viên làm công việc này và sẽ trả lương cao cộng thêm hoa hồng khi bán được hàng.
"Thấy được điều đó, mình đã gấp rút đi học livestream để đáp ứng được nhu cầu cửa hàng. Nếu không chịu thay đổi, học hỏi thêm kiến thức thì bị mất việc là chuyện sớm muộn", Hân nói.
Trong năm 2023, anh Nguyễn Minh Tân, quán quân chương trình Vietnam Livestream Idol năm 2022, Phó chủ nhiệm CLB MC Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM, đã dạy livestream cho hơn 500 người, đủ mọi ngành nghề từ MC, KOC, KOL đến các chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng… "Muốn livestream bán hàng tốt, trước tiên các bạn cần phải có kinh nghiệm livestream ở nhiều ngành hàng và nền tảng khác nhau. Được va chạm thực tế thì sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm", anh Tân chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Công Minh Trí, CEO Công ty CMT Entertainment (TP.HCM), cho hay hơn 1 năm nay công ty anh đã khai giảng 15 khóa học về livestream, mỗi khóa từ 10 - 15 học viên chủ yếu là sinh viên, doanh nghiệp, chủ cửa hàng. "Người mới bắt đầu học livestream thì cần phải tập thói quen tương tác trước ống kính, thực hành quay video clip, chỉnh sửa giọng nói cho phù hợp và luyện tập thường xuyên…", anh Trí nói.
MỘT BUỔI LIVESTREAM BÁN ĐƯỢC 3 TẤN CAM
Đầu tháng 8.2023, Nguyễn Bảo Ngọc (27 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) chính thức trả mặt bằng kinh doanh quần áo trên đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM, để về nhà cùng với chị bán hàng trực tuyến. Bảo Ngọc cho biết từ đầu năm 2023, tình hình kinh doanh có dấu hiệu ế ẩm, nguồn thu mỗi tháng chỉ đủ để trả mặt bằng, không lãi.
"Tháng 5, doanh thu tụt giảm đến 70%. Nhận thấy xu hướng mua sắm thay đổi, mọi người chuyển sang mua hàng trên mạng xã hội nhiều hơn, thế nên mình quyết định trả mặt bằng, chuyển sang tập trung bán hàng trực tuyến", Ngọc nói.
Sau khi về nhà, Ngọc đăng ký thêm khóa học livestream giá gần 2 triệu đồng, cũng như mua sách, tài liệu và tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội để học hỏi thêm kinh doanh trực tuyến. "Nhờ đó lượng khách mua hàng từ các buổi livestream tăng dần qua từng ngày, trung bình mỗi tháng doanh thu từ việc bán hàng qua các livestream là hơn 70 triệu đồng", Bảo Ngọc nói.
Còn chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3T Farm, chuyên trồng và kinh doanh cam ở H.Cao Phong, Hòa Bình, cũng thường hay livestream trên TikTok mỗi khi chị ra vườn thu hoạch cam. "Mỗi khi ra vườn hay thu hoạch nông sản là mình livestream, chia sẻ những câu chuyện về trồng trọt, cách thu hoạch nông sản ra sao, giới thiệu cho khách biết quy trình chăm sóc cam như thế nào, hay câu chuyện cá nhân…", chị Thủy nói.
"Việc livestream giúp tăng niềm tin về chất lượng sản phẩm, giới thiệu sống động hơn về những quả cam tươi. Nhờ thế, mình bán được hàng và sau đó nhiều khách biết đến nông sản chất lượng nên tiếp tục đặt mua. Có những đợt livestream mình bán được 3 tấn cam", chị Thủy chia sẻ.