Nghị quyết 21 Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII yêu cầu: "Mỗi đảng viên phải tự ý thức học tập,ữlờithềthiêngliêngtrướcĐảngNhữngbàihọcđắtgiáparacetamol 500mg rèn luyện nhân cách, đạo đức, phong cách, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng và lời thề khi vào Đảng".
Song, nhiều cán bộ, đảng viên khi được giao trọng trách đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bị danh vọng và quyền lực chi phối dẫn đến thoái hóa, biến chất, quên đi lời thề thiêng liêng trước Đảng…
CUỘC "NGÃ GIÁ" TRIỆU USD
Ngày 30.1.2020, một tuần sau khi VN xuất hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên, ông Nguyễn Thanh Long được bổ nhiệm trở lại làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Hai ngày sau, Thủ tướng ký quyết định công bố dịch Covid-19 tại VN.
Cùng thời điểm này, thấy cơ hội kiếm tiền từ dịch bệnh, Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ Việt Á (viết tắt Công ty Việt Á), cùng Trịnh Thanh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế, kỹ thuật (Bộ KH-CN), đã "đạo diễn" để Công ty Việt Á được tham gia, rồi sử dụng kết quả đề tài nghiên cứu chế tạo sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) phát triển kit xét nghiệm thương mại hóa. Sự việc trót lọt, ngày 3.2.2020, ông Chu Ngọc Anh, khi đó là Bộ trưởng KH-CN, phê duyệt đề tài, cho phép Công ty Việt Á tham gia.
Đến giữa tháng 2.2020, nhờ quen biết từ trước, Phan Quốc Việt tìm đến ông Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh (vốn là thư ký của ông Long) và Nguyễn Văn Trịnh (chuyên viên Văn phòng Chính phủ, trợ lý nguyên Phó thủ tướng Vũ Đức Đam) nhờ giúp đỡ để Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và tiêu thụ được kit xét nghiệm. Ông Long đồng ý và giao cho Huỳnh là đầu mối liên hệ với Việt để giúp Công ty Việt Á.
Nhờ sự can thiệp, tác động, chỉ đạo của ông Long, Huỳnh và Trịnh, sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 vốn không thuộc sở hữu của Công ty Việt Á được cấp phép lưu hành; đồng thời quá trình hiệp thương giá, kiểm tra giá hiệp thương đã tạo điều kiện cho Việt nâng khống giá kit xét nghiệm từ 143.461 đồng/kit xét nghiệm lên 470.000 đồng/kit xét nghiệm, tạo mặt bằng giá để Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm cho các địa phương, đơn vị trên cả nước.
Từ tháng 3.2020 cho đến khi Phan Quốc Việt bị khởi tố, bắt tạm giam ngày 31.12.2021, Công ty Việt Á đã cung cấp cho các địa phương trên cả nước hơn 8,3 triệu kit xét nghiệm, tổng giá trị gần 4.000 tỉ đồng, trong đó đã được thanh toán 2.257 tỉ đồng. Lợi nhuận thu được từ các hợp đồng bán kit xét nghiệm, Việt sử dụng để "lại quả", chi "hoa hồng" và "quà cảm ơn" cho các đối tác.
Sau khi nhận những khoản thanh toán đầu tiên từ tiêu thụ kit xét nghiệm, tháng 12.2020, Phan Quốc Việt thông qua Nguyễn Huỳnh đưa cho ông Nguyễn Thanh Long 200.000 USD (khoảng 4,5 tỉ đồng) để "cảm ơn". Đến giữa tháng 1.2021, ông Long lúc này đã là Bộ trưởng Y tế, chỉ đạo Nguyễn Huỳnh gọi điện cho Việt nói đang cần huy động một số tiền lớn để xử lý công việc, đề nghị Việt bố trí tiền chuyển cho ông Long. Việt nói: "Anh cứ cho em con số và thời gian để em chuẩn bị". Huỳnh nói lại: "1 triệu USD có được không? Xử lý càng sớm càng tốt". Đến ngày 9.2.2021, Việt mang 1 triệu USD kèm 2 tỉ đồng giao cho Huỳnh để Huỳnh đưa cho ông Long theo yêu cầu.
Đây là thời điểm Đại hội Đảng lần thứ XIII (từ ngày 25.1 - 2.2.2021) vừa kết thúc, ông Nguyễn Thanh Long được bầu vào Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII, cơ sở để Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm ông Long tiếp tục làm Bộ trưởng Y tế nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào tháng 7 năm đó. Ngày 29.6.2021, trong lần đến trụ sở Bộ Y tế gặp ông Long để nhờ ủng hộ chủ trương phát triển vắc xin Covid-19, khi ra về Việt lấy bọc tiền 50.000 USD (hơn 1 tỉ đồng) đưa cho ông Long, nói: "Em lì xì mấy cháu". Ông Long cầm và cười, nói: "Vẽ chuyện!".
Đến cuối tháng 10.2021, ông Nguyễn Thanh Long lại chỉ đạo Huỳnh liên hệ Việt yêu cầu chuẩn bị 1 triệu USD đưa cho ông Long để "xử lý công việc". Đầu tháng 11.2021, Việt mang theo 1 triệu USD theo yêu cầu tới gặp đưa trực tiếp cho ông Long nhưng không gặp được nên tiếp tục đưa cho Huỳnh để Huỳnh chuyển cho ông Long. Theo kết luận của cơ quan điều tra, Phan Quốc Việt đã 4 lần, tự nguyện hoặc theo yêu cầu, đưa tiền cho Nguyễn Thanh Long với số tiền là 2,25 triệu USD (khoảng hơn 51 tỉ đồng).
ĂN CHIA "HOA HỒNG" TIỀN TỈ
Không chỉ nhận tiền để tác động, chỉ đạo, giúp Phan Quốc Việt được cấp phép và nâng khống giá bán kit xét nghiệm Công ty Việt Á, Nguyễn Huỳnh cùng ông Nguyễn Thanh Long tiếp tục giới thiệu Việt và Công ty Việt Á với lãnh đạo địa phương, tạo điều kiện cho Công ty Việt Á tiêu thụ kit xét nghiệm.
Với Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh, người đã ký duyệt đề tài nghiên cứu sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 cho Học viện Quân y và Công ty Việt Á, dù không trao đổi thỏa thuận từ trước, song sau khi vượt qua các quy trình để tiêu thụ kit xét nghiệm Công ty Việt Á, cuối tháng 8.2020, Phan Quốc Việt vẫn chủ động nhắn tin xin gặp và đưa tiền "cảm ơn" cho ông Anh 200.000 USD (tương đương 4,6 tỉ đồng). Tương tự, Trịnh Thanh Hùng, Phạm Công Tạc (Thứ trưởng Bộ KH-CN), những người giúp sức tích cực để Việt chiếm đoạt, rồi quảng bá, khen thưởng cho kit xét nghiệm của Công ty Việt Á cũng được Việt "cảm ơn" nhiều tỉ đồng.
Cuối tháng 1.2021, đợt dịch Covid-19 thứ 3 bùng phát tại Hải Dương. Việt liên hệ với Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương Phạm Duy Tuyến, đề nghị cho Công ty Việt Á vào Hải Dương thực hiện xét nghiệm phòng chống dịch, nhưng Tuyến nói phải do lãnh đạo tỉnh quyết định. Việt gọi điện cho Huỳnh, nhờ nói với ông Nguyễn Thanh Long để tác động với lãnh đạo tỉnh Hải Dương cho Công ty Việt Á vào Hải Dương thực hiện xét nghiệm.
Đó là thời điểm Đại hội Đảng lần thứ XIII đang diễn ra. Nguyễn Thanh Long gặp Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng tại đại hội, trao đổi và giới thiệu Công ty Việt Á hỗ trợ Hải Dương chống dịch. Đồng thời, ông Long nhắn tin số điện thoại của ông Thăng cho Huỳnh để Huỳnh chuyển cho Việt.
Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hải Dương ngày 1.2.2021, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng kết luận: "Ưu tiên số một là xét nghiệm. Công ty Việt Á đã vào cuộc với chúng ta. Đây là một công ty tin cậy. Đồng chí Bộ trưởng Y tế đã khẳng định điều này…".
Tại thời điểm này, có nhiều đơn vị, cơ sở y tế T.Ư và tư nhân cùng tham gia hỗ trợ Hải Dương chống dịch. Với mục đích mở rộng phạm vi xét nghiệm và để CDC tỉnh Hải Dương độc quyền xét nghiệm, Công ty Việt Á độc quyền bán kit xét nghiệm trên địa bàn Hải Dương, ngày 20.2.2021, Việt đến phòng làm việc của ông Thăng đề nghị tạo điều kiện để Công ty Việt Á được xét nghiệm cho công nhân, người lao động trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn. Ông Thăng đồng ý giao Công ty Việt Á là đơn vị chủ công trong công tác xét nghiệm cho Hải Dương. Tại buổi gặp, Việt đưa cho ông Thăng 100.000 USD (khoảng 2,3 tỉ đồng). Sau buổi gặp, Việt nhắn tin cho ông Thăng nói sau khi các bên ở tỉnh biết mình đến gặp Thăng "đã thay đổi thái độ, tôn trọng hơn, hợp tác hơn". Việt còn nhận "sự phê bình" vì đã không mạnh dạn đến gặp ông Thăng để phối hợp tốt hơn cho tỉnh…
Hai ngày sau, Việt được tham gia cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương mở rộng về công tác chống dịch. Tại cuộc họp, ông Phạm Xuân Thăng kết luận chỉ đạo nâng công suất của CDC tỉnh Hải Dương, giao Công ty Việt Á phối hợp CDC tỉnh mở rộng phạm vi xét nghiệm như đề xuất của Việt. Trong quá trình cung cấp kit xét nghiệm chống dịch tại Hải Dương, Việt thỏa thuận chia "hoa hồng" cho Phạm Duy Tuyến 20 - 25% giá trị các hợp đồng trị giá hơn 147 tỉ đồng mà CDC tỉnh Hải Dương ký với Công ty Việt Á.
Sau khi các hợp đồng được thanh toán, tổng cộng Việt đã chuyển cho Tuyến 5 lần với số tiền 27 tỉ đồng. Tuyến dùng số tiền này "lại quả" cho Phạm Xuân Thăng và các lãnh đạo y tế Hải Dương. Trong đó, Tuyến 3 lần đưa cho ông Thăng 600 triệu đồng và 50.000 USD (khoảng 1,2 tỉ đồng) để cảm ơn việc chỉ đạo trong việc lựa chọn, thanh toán tiền cho Công ty Việt Á… Theo cơ quan điều tra, tổng cộng ông Phạm Xuân Thăng nhận từ Việt và tiền "hoa hồng" của Công ty Việt Á hơn 4 tỉ đồng.(còn tiếp)